5 cách đơn giản tăng tốc ngay lập tức cho Windows 10

5 thủ thuật tăng tốc dành cho Windows 10

Không thể phủ nhận một điều rằng, Windows 10 - hệ điều hành mới nhất của Microsoft mang đến cho người dùng rất nhiều cải tiến mới cả về giao diện lẫn tính năng, đặc biệt là nó sử dụng ít tài nguyên của hệ thống, hoạt động trơn tru, mượt mà. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, có thể bạn vẫn sẽ cảm thấy hiệu suất hoạt động giảm đi rõ rệt khi thời gian khởi động cũng như tắt máy tăng lên đáng kể, thậm chí máy tính thường bị treo nếu như sử dụng cùng lúc nhiều chương trình. Chính vì thế, giải pháp khả dĩ trong trường hợp này là tiến hành dọn dẹp, tối ưu hệ thống để gia tăng hiệu suất hoạt động trở lại. Nhưng cách thực hiện như thế nào thì không phải ai cũng biết. Do đó, hôm nay, chúng tôi xin chia sẻ 5 cách đơn giản giúp bạn có thể nhanh chóng tăng tốc cho Windows 10 trong bài viết dưới đây. Xin mời các bạn cùng tham khảo.

1. Sử dụng công cụ sửa lỗi toàn hệ thống

Công cụ nhỏ này sẽ giúp bạn sửa lỗi Full Disk đồng thời giúp tăng tốc hệ thống. Để thực hiện, trước tiên, bạn hãy vào Control Panel rồi nhấn chọn System and Security.

Tiếp theo, hãy nhấn vào Troubleshoot common computer problems nằm trong mục Security and Maintenance.

Sau đó, hãy nhấn tiếp vào mục Run maintenance tasks.

Cuối cùng, khi hộp thoại System Maintenance xuất hiện, hãy bấm Next để công cụ tiến hành sửa lỗi là xong.

2. Vô hiệu hóa hiệu ứng trong suốt

Tuy được đánh giá khá cao về tính thẩm mỹ nhưng hiệu ứng trong suốt cũng góp phần ảnh hưởng xấu đến hiệu suất của hệ thống. Vì vậy, nếu như không muốn sử dụng hiệu ứng trong suốt thì bạn có thể vô hiệu hóa chúng theo cách dưới đây.

Từ màn hình Desktop, hãy nhấn vào nút Start rồi chọn mục System. Tại đây, hãy nhấn vào mục Personalization (Cá nhân hóa).

Trong giao diện Personalization, hãy nhấn vào menu Color ở cột bên trái rồi kéo xuống tìm mục Make start, taskbar and action center transparent và tắt nó đi.

3. Thay đổi thời gian boot

Thông thường, Windows 10 sẽ thiết lập mặc định thời gian khởi động vào menu boot là 30 giây nhưng nếu muốn tiết kiệm thời gian hơn nữa thì bạn hoàn toàn có thể thay đổi con số này bằng cách vào Control Panel > System > Advanced system settings.

Khi hộp thoại System Properties xuất hiện, hãy nhấn nút Settings dưới mục Startup and Recovery.

Sau đó, bạn chỉ cần thay đổi thông số trong mục Time to display list of operating systems nữa là xong.

4. Loại bỏ bớt các chương trình khởi động cùng hệ thống

Việc có quá nhiều chương trình khởi động cùng lúc với hệ điều hành cũng khiến cho quá trình khởi động kéo dài thêm ra. Do vậy, bạn có thể tắt bớt những chương trình không thực sự cần thiết bằng cách nhấn chuột phải vào thanh Taskbar rồi chọn Task Manager. Khi cửa sổ Task Manager mở lên, hãy chọn tab Startup rồi tìm những chương trình mà mình muốn loại bỏ từ trong danh sách. Sau đó, nhấn chuột phải vào chương trình đó và chọn Disable hoặc chọn chương trình đó rồi nhấn nút Disable ở dưới.

5. Tắt hiệu ứng chuyển động

Giống như hiệu ứng trong suốt ở trên, hiệu ứng chuyển động cũng mang tính hình thức nhiều hơn và cũng góp phần làm giảm hiệu suất hoạt động của máy tính. Vì thế, bạn có thể tắt chúng đi cách như sau

Đầu tiên, hãy vào Control Panel > System > Advanced system settings. Trong giao diện hộp thoại System Properties, hãy nhấn Settings dưới mục Performance.

Khi hộp thoại Performance Options xuất hiện, hãy đánh dấu vào tùy chọn Adjust for best performance rồi bấm OK để hoàn tất

Hi vọng bài viết có ích với bạn!

Cập nhật: 21/04/2016 Xuân Linh Nguyễn
Danh mục
;