7 cách sửa lỗi Network Protocols are Missing trong Windows

Khắc phục lỗi Network Protocols are Missing trong Windows

Thời gian gần đây, nhiều người dùng Windows gặp phải lỗi không thể kết nối được mạng Internet mặc dù biểu tượng kết nối dưới thanh Taskbar vẫn bình thường. Khi người dùng nhấn chuột phải vào đó và chọn Troobleshoot problems, lập tức xuất hiện thông báo lỗi "One or more network protocols are missing on this computer" như dưới đây. Chính vì lý do đó, hôm nay, Down.vn sẽ hướng dẫn các bạn một vài cách để khắc phục lỗi trên trong bài viết dưới đây. Mời các bạn tham khảo.

Cách 1: Tắt phần mềm diệt virus hoặc tường lửa của bên thứ 3

Đầu tiên, bạn hãy kiểm tra xem trên máy tính của mình có đang sử dụng phần mềm diệt virus dạng Internet Security hoặc tường lửa nào của các bên thứ 3 hay không, nếu có hãy tạm thời tắt chúng đi rồi khởi động lại máy. Trường hợp sau khi khởi động lại, máy tính có thể kết nối bình thường, nghĩa là nguyên nhân đến từ phần mềm bảo mật của bên thứ 3. Bạn có thể phải thay đổi lại các thiết lập cho nó hoặc sử dụng các phần mềm tương tự khác để thay thế.

Cách 2: Cập nhật lại Driver cho card mạng

Nếu sử dụng cách trên không hiệu quả thì bạn hãy thử tải bản cập nhật mới nhất của Driver card mạng về máy tính rồi tiến hành cài đặt. Vì rất có thể Driver trong máy tính của bạn đã bị lỗi thời và có thể không tương thích với phần cứng. Sau đó, hãy khởi động lại máy tính và xem kết quả thế nào.

Cách 3: Cài đặt lại Driver của card mạng

Trong trường hợp bạn không tìm thấy phiên bản Driver phù hợp, hãy gỡ bỏ nó rồi tiến hành cài đặt lại theo các bước dưới đây

Bước 1: Từ màn hình Desktop, hãy ấn tổ hợp phím Windows+R để mở hộp thoại Run rồi nhập lệnh devmgmt.msc và nhấn OK.

Bước 2: Trong giao diện cửa sổ Device Manager, bạn hãy tìm đến mục Network adapters rồi nhấn vào mũi tên xổ xuống cạnh đó để làm hiện ra các thành phần trong đó.

Bước 3: Sau đó, bạn hãy nhấn chuột phải vào từng thành phần Driver trong đó rồi chọn Unintalls để gỡ bỏ chúng đi.

Bước 4: Tiếp đến, bạn hãy nhấn vào menu Action rồi chọn Scan for hardware changes để hệ thống tự tìm và cài đặt Driver phù hợp.

Cuối cùng, bạn đợi 1 lát để máy tính cài đặt hoàn tất rồi khởi động lại và xem thử kết quả.

Sau khi đã thử qua các cách đơn giản ở trên, nếu vẫn chưa có hiệu quả, bạn hãy tiến hành thực hiện các cách can thiệp "sâu hơn" về hệ thống dưới đây.

Cách 4: Reset lại IP Configurations

Bước 1: Các bạn hãy ấn tổ hợp phím Windows+R để mở hộp thoại Run rồi nhập lệnh Regedit để mở cửa sổ Registry Editor.

Bước 2: Khi cửa sổ Registry Editor xuất hiện, bạn hãy tìm đến khóa theo đường dẫn dưới đây

HKEY_LOCAL_MACHINE\SYSTEM\ControlSet001\Control\Nsi\{eb004a00-9b1a-11d4-9123-0050047759bc}\26

Bước 3: Bạn hãy nhấn chuột phải vào tập tin 26 rồi chọn mục Permission.

Bước 4: Tại đây, bạn hãy nhấn vào mục Everyone rồi đánh dấu vào tùy chọn Allow trong mục Full Control và nhấn OK để lưu lại.

Bước 5: Tiếp theo, bạn hãy mở Command Prompt bằng quyền quản trị rồi nhập dòng lệnh netsh int ip reset và ấn Enter.

Cuối cùng, bạn hãy khởi động lại máy tính và xem thử hiệu quả.

Cách 5: Cấu hình lại mạng bằng các câu lệnh IP Config.

Bạn hãy khởi chạy Command Prompt bằng quyền quản trị rồi nhập các lệnh sau và ấn Enter ở cuối mỗi lệnh.

  • netcfg -d
  • ipconfig /release
  • ipconfig /renew
  • ipconfig /flushdns
  • ipconfig /registerdns

Sau khi đã thực hiện xong các lệnh trên, bạn hãy tiến hành khởi động lại máy tính và kiểm tra kết quả.

Cách 6: Khôi phục lại Winsock Catalog

Bạn cũng có thể thử tiến hành khôi phục lại Winsock Catalog bằng cách khởi chạy Command Prompt bằng quyền quản trị rồi nhập dòng lệnh netsh winsock reset và ấn Enter.

Cuối cùng, bạn cũng khởi động lại máy tính để xem hiệu quả.

Cách 7: Đổi địa chỉ IP

Ngoài ra, còn một cách cuối cùng bạn có thể thử đó là đổi địa chỉ IP của kết nối mạng bằng cách nhấn chuột phải vào biểu tượng mạng rồi chọn Open Network and Sharing Center.

Trong giao diện cửa sổ Network and Sharing Center, bạn hãy nhấn vào tên mạng mà bạn đang kết nối.

Khi hộp thoại mới xuất hiện, bạn hãy bấm vào nút Properties.

Tiếp theo, bạn hãy click vào dòng Internet Protocol Version 4 (TCP/IPv4).

Bạn hãy check vào tùy chọn Use the following DNS server addresses rồi thử đổi sang địa chỉ IP khác (ví dụ như đổi sang địa chỉ Google như dưới đây).

Sau đó, bạn hãy thử xem đã kết nối được hay chưa.

Chúc các bạn tuần làm việc mới hiệu quả!

Cập nhật: 14/03/2016 Xuân Linh Nguyễn
Danh mục
;