Những mẹo nhỏ giúp bạn bảo mật dữ liệu cá nhân
Trong thời đại thông tin ngày nay, một trong những vấn đề được nhiều người dùng quan tâm nhất đó là bảo mật dữ liệu bởi hầu hết những thông tin cá nhân quan trọng như địa chỉ nhà riêng, số điện thoại, địa chỉ email,... thậm chí cả tài khoản ngân hàng đều được "cất giữ" trong máy tính, điện thoại hoặc các dịch vụ lưu trữ trực tuyến. Chính vì thế, hôm nay, chúng tôi sẽ chia sẻ 6 thủ thuật nhỏ nhưng cực kỳ hữu ích nhằm giúp bạn có thể tăng cường tính bảo mật cho dữ liệu cá nhân của mình.
1. Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân
Ngày nay, các trang mạng xã hội phát triển bùng nổ kéo theo nhu cầu chia sẻ thông tin rất lớn của người dùng. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là con dao 2 lưỡi bởi bạn có thể dễ bị "kẻ xấu" lợi dụng để thực hiện các hành vị trộm cắp. Vì thế, những thông tin nhạy cảm kiểu như tài khoản ngân hàng, tuyệt đối đừng bao giờ chia sẻ dù cho đó là đối tượng mà bạn biết rõ vì môi trường Internet đâu chỉ có mình 2 bạn. Trong trường hợp, phải chia sẻ tài khoản email hoặc diễn đàn mạng xã hội nào đó, tốt nhất là bạn nên đổi luôn mật khẩu ngay sau khi người được chia sẻ sử dụng xong.
2. Luôn luôn cập nhật phiên bản mới nhất cho hệ điều hành
Một trong những nguyên nhân khiến các nhà phát triển hệ điều hành cho máy tính cũng như di động thường xuyên tung ra các bản cập nhật đó là nhằm hỗ trợ người dùng vá những lỗi bảo mật, đảm bảo tính an toàn cho dữ liệu trong đó. Vì thế, thường xuyên cập nhật phiên bản mới cho hệ điều hành trên thiết bị của mình là việc làm khá quan trọng trong vấn đề tăng cường bảo mật hệ thống.
3. Cẩn trọng khi sử dụng Wifi công cộng
Đối với những người thường xuyên phải di chuyển thì việc tận dụng mạng Wifi công cộng "chùa" sẽ giúp họ tiết kiệm được dung lượng 3G. Song nó cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ thông tin bị rò rỉ và lọt vào tay của "đạo chích". Do vậy, bạn nên suy nghĩ kỹ trước khi tiến hành đăng nhập những tài khoản cá nhân quan trọng khi đang sử dụng mạng Wifi này. Nếu vẫn quyết định thực hiện đăng nhập, bạn nên thay đổi mật khẩu cho tài khoản đó luôn sau khi sử dụng chúng đồng thời ngắt kết nối Wifi khi không cần truy cập mạng Internet nữa.
4. Thiết lập mật khẩu cho thiết bị cá nhân
Có thể nói, đây là phương pháp đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Hãy thử tượng tượng, bạn có việc đột xuất phải ra ngoài trong một khoảng thời gian nhất định, lại không mang theo thiết bị cá nhân bên người. Vậy là những dữ liệu quan trọng rất có thể sẽ bị người khác "táy máy" vì tính hiếu kỳ, trường hợp tệ hơn là dữ liệu của bạn có thể sẽ bị xóa mất. Như vậy, hậu quả sẽ thật khôn lường, phải không nào. Vì vậy, tốt nhất bạn nên thiết lập mật khẩu cho cả máy tính lẫn điện thoại cá nhân để nếu có ai đó cầm vào thì họ cũng không thể nào sử dụng được trừ phi biết được mật khẩu. Ngoài ra, bạn cũng nên cài đặt thời gian chờ màn hình khóa ngắn lại cũng sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro về tính bảo mật.
5. Kích hoạt tính năng bảo mật 2 lớp
Hiện nay, có rất nhiều dịch vụ cho phép người dùng sử dụng bảo mật 2 lớp để tăng cường thêm độ an toàn cho tài khoản cá nhân, tức là ngoài mật khẩu thông thường, dịch vụ sẽ yêu cầu nhập thêm mã xác nhận được gửi về số điện thoại mà bạn dùng để đăng ký nữa. Hãy lập tức kích hoạt tính năng này lên để nhanh chóng dựng lên một lớp "tường thành" nữa bảo vệ cho dữ liệu cá nhân của bạn.
6. Cảnh giác cao với các dịch vụ lưu trữ trực tuyến
Kể từ khi ra đời, các dịch vụ lưu trữ đám mây như Google Drive, OneDrive, Dropbox đã được rất nhiều người lựa chọn như là một phương thức lưu trữ tiện lợi do khả năng lưu trữ và đồng bộ ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, tính bảo mật của nó cũng là một dấu hỏi lớn, đặt người dùng đứng trước mối lo bị mất cắp dữ liệu. Do vậy, để tự bảo vệ cho tài khoản cá nhân trên các dịch vụ lưu trữ đám mây, bạn nên tạo một mật khẩu có đủ độ mạnh bao gồm nhiều ký tự khác nhau đồng thời cài đặt thêm mật khẩu cho các thư mục lưu trữ.
- Cách bảo mật 2 lớp cho Facebook
- Hướng dẫn bảo mật 2 lớp của Gmail
- Cách gỡ mã bảo mật Facebook trên điện thoại
Hi vọng bài viết có ích với bạn!